Chiêm Hóa vươn mình sau lũ

- Những ngày này trên địa bàn huyện Chiêm Hóa, đâu đâu cũng thấy chính quyền, các ngành đoàn thể, cùng nhân dân nỗ lực khắc phục hậu quả siêu bão Yagi để lại. Có thể nói lâu lắm rồi Chiêm Hóa mới có một cơn lũ dữ như vậy, nước lên nhanh nhiều nhà dân trở tay không kịp. Tuy Chiêm Hóa không có thiệt hại về người, nhưng thiệt hại về kinh tế là rất lớn. Hậu quả bão lũ trên địa bàn còn phải khắc phục lâu dài, nhất là hệ thống cơ sở hạ tầng, đường giao thông, công trình công cộng và nhà cửa của dân.

Thiệt hại nặng nề

Đồng chí Lê Thiện Quang, Phó Chủ tịch UBND huyện Chiêm Hóa cho biết, toàn huyện có 1.750 ngôi nhà bị ngập, hư hỏng; 1.169 ha cây trồng bị thiệt hại, trong đó có 424 ha lúa đang chuẩn bị thu hoạch. Bà La Thị Mạo, thôn Phú Linh, xã Bình Phú buồn rầu nói “Nhà tôi vừa bị mất nhà, hoa màu, lúa cũng bị lũ phá hủy. Cuộc sống sau lũ rất khó khăn. Trong lúc hoạn nạn, gia đình tôi được các cấp chính quyền, đoàn thể, nhân dân giúp đỡ nhiệt tình. Đến nay gia đình cơ bản ổn định cuộc sống, tập trung vào khắc phục hậu quả sau lũ”.

Công an, dân quân Chiêm Hóa giúp nông dân xã Tân Mỹ gặt lúa, khôi phục sản xuất.

Hiện toàn huyện có 1.500 con lợn, 7.257 con gia cầm, 2 con trâu, ngựa bị lũ cuốn trôi, 291 lồng bè nuôi cá bị mất trắng, 57 ha diện tích ao nuôi cá bị ảnh hưởng nặng. Nhiều kênh mương, đập thủy lợi, cầu, đường giao thông, đường điện, viễn thông, nhà văn hóa, trường lớp học bị hư hỏng. Ước tính tổng thiệt hại bước đầu khoảng gần 30 tỷ đồng.

Ngay sau khi nước rút, lãnh đạo UBND huyện Chiêm Hóa đã đến từng cơ sở để chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả. Theo đó chỉ đạo các xã, thị trấn thống kê kịp thời, đầy đủ, chính xác thiệt hại về bão lũ đối với công trình của nhà nước và của dân. Cụ thể đối với nhà các hộ bị sập đổ, hư hỏng nặng thực hiện thủ tục hỗ trợ theo Nghị định 20 của Thủ tướng Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội, để khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra, ổn định đời sống cho nhân dân vùng bị ảnh hưởng do thiên tai.

Về giao thông đã chỉ đạo và khắc phục xong thông tuyến đường huyện ĐH.03 (Phú Bình - Kiên Đài) và tuyến đường ĐH.02 (Kim Bình đi Tri Phú) để đảm bảo lưu thông và chở hàng cứu trợ cho người dân. Còn lại tuyến đường ĐT.185 (Bản Cham - Linh Phú) cơ bản đã khắc phục xong. Thiệt hại về sản xuất, huyện chỉ đạo các xã, thị trấn, Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện bám sát địa bàn, tập trung hướng dẫn nhân dân các biện pháp khắc phục có hiệu quả. Đối với những diện tích không thể khắc phục được kiểm tra xác minh, hoàn thiện hồ sơ đề nghị hỗ trợ thiệt hại về sản xuất nông nghiệp theo Nghị định số 02 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh.

Các giải pháp cấp bách

Đồng chí Bí thư Huyện ủy Chiêm Hóa Vũ Quang Thắng cho biết, Ban Thường vụ Huyện ủy đã tổ chức họp đột xuất triển khai ngay các giải pháp cấp bách khắc phục hậu quả thiên tai. Ngoài nguồn lực hỗ trợ từ bên ngoài, huyện chỉ đạo thực hiện phương châm “4 tại chỗ”, huy động sự vào cuộc cả hệ thống chính trị để khắc phục hậu quả, không để ai bị nguy hiểm, bị thiếu đói, vươn mình sau cơn lũ dữ. Huyện trân trọng cảm ơn sự giúp đỡ chân tình, hiệu quả, kịp thời của Trung ương, tỉnh, huyện bạn, các tổ chức, cá nhân thiện nguyện giúp Chiêm Hóa trong và sau lũ. 

Huyện Chiêm Hóa huy động các phương tiện máy móc khắc phục các tuyến đường trên địa bàn bị hư hỏng.

Trước tình trạng khẩn cấp của thiên tai, huyện nhanh chóng quyết định họp Ban Vận động cứu trợ huyện Chiêm Hóa nhằm tiếp nhận kịp thời hàng cứu trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, giao cho Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị khác, tiếp nhận, thống kê, phân bổ đến những xã, thị trấn, trong đó tiêu biểu có Hội Chữ thập đỏ, Hội Nông dân huyện. Khi có Ban Vận động cứu trợ huyện hàng cứu trợ, huyện công khai nhiều số điện thoại của các đồng chí thành viên Ban Vận động cứu trợ huyện nhận hàng cứu trợ, để các nhà hảo tâm tiện liên hệ, tránh tình trạng quá tải vào một hai đồng chí. Căn cứ vào mức độ thiệt hại, mức độ khẩn cấp của từng khu dân cư, từng xã, thị trấn mà Ban Tiếp nhận hàng cứu trợ báo cáo trực tiếp lãnh đạo huyện xin ý kiến chỉ đạo, phân bổ các mặt hàng cần thiết. Đồng thời cử các thành viên xuống chỉ đạo, giám sát việc phân bổ hàng cứu trợ cho các xã, thị trấn đúng người, đúng địa chỉ, đúng thiệt hại. Việc thành lập Ban Vận động cứu trợ huyện từ sớm là bài học lớn cho các địa phương trong công tác phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, ổn định cuộc sống. Tránh việc tiếp nhận hàng cứu trợ chồng chéo, nơi thừa, nơi thiếu, không có thông tin, không khách quan, khoa học. Đồng chí Triệu Đức Long, Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Trưởng Ban Dân vận, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Chiêm Hóa cho biết, tính đến ngày 17-9, huyện Chiêm Hóa tiếp nhận sự hỗ trợ của 145 đoàn thiện nguyện trong cả nước, tổng số tiền và hàng hóa trị giá trên 21 tỷ đồng. Ban Vận động cứu trợ huyện đã phân bổ số tiền, hàng hóa xuống các xã, thị trấn bị thiệt hại, cơ bản đến đâu phân bổ hết đến đó, đảm bảo minh bạch, đúng người, đúng địa chỉ, đúng thiệt hại. Đảm bảo người dân không bị thiếu đói, có thêm nguồn lực tái thiết sau lũ.

Hiện nay trước mắt là toàn huyện tiến hành tổng vệ sinh nhà cửa, công trình công cộng, đường sá, chợ. Ngành Y tế huyện tiến hành khử trùng, khử khuẩn, tuyên truyền người dân biết cách phòng chống dịch bệnh. Đến ngày 15-9, các xã, thị trấn trên địa bàn huyện cơ bản đã ổn định cuộc sống, khôi phục sản xuất. Mọi hoạt động đều diễn ra như bình thường. Tranh thủ thời tiết tốt lực lượng công an, dân quân giúp bà con thu hoạch lúa, hạn chế thiệt hại. Tại các xã có nguy cơ lũ ống, sạt lở đất tiếp tục cho rà soát, nếu thiếu an toàn, tiếp tục cho di dời, tái định cư cho người dân đến nơi ở mới an toàn. 

Trong thời gian tới huyện Chiêm Hóa sẽ tìm, lồng ghép nhiều nguồn lực để khắc phục hậu quả do bão Yagi gây ra, nhất là những địa bàn xung yếu. Có giải pháp căn cơ, dài hơi phục hồi, hỗ trợ, thúc đẩy sản xuất phát triển, nhất là địa bàn vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tiếp tục chương trình xây dựng nông thôn mới. Nhất là các địa phương bị thiệt hại nặng như xã Tri Phú, Linh Phú, Kim Bình, Vinh Quang, Trung Hòa, thị trấn Vĩnh Lộc... Đồng thời phát huy tính tự lực, tự cường, khắc phục khó khăn, vượt qua thử thách, hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh mà huyện đề ra.

Bài, ảnh: Quang Hòa

Tin cùng chuyên mục